Hình tượng và màu sắc trong Then

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

     Có lẽ không có một hình thức tôn giáo tín ngưỡng nào của người Tày mà ở đó hình tượng và màu sắc lại phong phú như Then.

     Trước nhất, chúng ta quan tâm tới hệ thống bàn thờ Then. Bình thường mỗi ông Then và bà Then đều có bàn thờ ở nhà của mình, nằm phía bên phải bàn thờ Tổ tiên; tuy nhiên, khi tổ chức nghi lễ Then, nhất là Then cấp sắc, thì hệ thống bàn thờ trở nên rất đa dạng.

     Ngoài bàn thờ Then cố định, còn lập thêm các bàn thờ Then thầy (mẹ Then hay cha Then), bàn thờ Ngọc Hoàng, bàn thờ thầy Cả (Tào hay Mo), bàn thờ Khỏa Quan, bàn thờ phong sắc ở ngoài sân hay ngoài cánh đồng và đặc biệt việc dựng cầu hào quang. Một trong những biểu tượng của bàn thờ Then là hình tượng cỗ én. Cỗ én bày trước bàn thờ Then gồm những dây treo hình chim én, hoa lá cắt bằng giấy màu. Mỗi khi trong làng bản có Then cấp sắc thì anh em họ hàng, người thân làm những cỗ én này (thường là số lẻ) đem đến nhà ông Then hay bà Then để chúc mừng. Ngoài việc trang trí cho đẹp và lộng lẫy trong ngày lẩu Then (hội Then), thì hình tượng chim én còn mang ý nghĩa tốt lành. Con chim mang lại tin vui, điều may mắn, là con chim được Pụt Luông (Phật) phong là chúa cả hầu hạ các Then, dẫn độ linh hồn Then lên thiên giới.

     Trong Then cấp sắc, bàn thờ của thầy Cả, tức Tào hay Mo đều phải treo những tranh thờ,mà chủ yếu ở đây là tranh của các vị Thần linh Đạo giáo, như: Văn Thù, Mục Liên, Tam Bảo, Địa Tạng, Thái SonMinh Vuong, Bình Chính, Minh Vương, Phổ Hiền, Dạ Lang…Khi tiến hành lễ cấp sắc, người ta phải dựng cầu hào quang ở giữa nhà nằm về phía bên phải bàn thờ Then, cầu hào quang là biểu tượng cho con đường nối liền giữa Đất và Trời, nơi mà Then có thể lên thiên giới tới các cửa Thiên tướng và Thiên tướng từ cửa Trời có thể xuống trần gian chứng giám lễ cấp sắc và nhận cỗ khao, cầu hào quang làm bằng cây tre, gốc còn để nguyên rễ, nối từ đất qua sàn nhà, mái nhà chĩa lên trời. Trên cầu hào quang người ta phủ ba tấm vải ba màu: Đỏ, đen, trắng và treo hình cắt giấy chim én, hoa lá, tiền vàng… Xung quanh cầu hào quang ở mặt sàn nhà, người ta bày nhiều lễ vật dâng cúng, cờ giấy các màu, hình nhân… Một lần nữa, chúng ta lại bắt gặp một dạng thức của cây vũ trụ thường thấy trong nghi lễ tín ngưỡng của các dân tộc nước ta và trên thế giới.

     Trong nghi lễ và thờ cúng của người Tày nói chung, đặc biệt là trong nghi lễ Then, người ta thường thấy hình tượng của cây mía cây chuối. Trong Then cấp sắc, cây mía có treo chiếc gtrong và dải vải đỏ mà các vị Thiên tướng nhập đồng dùng để khám cỗ của các gia đình, từ đó có thể biết được vận hạn của mỗi gia đình trong năm là tốt hay xấu. Nếu xấu thì vị Thiên tướng đó có thể làm lễ giải hạn ngay. Như vậy, ở đãy, cây mía như là một vật để con người có thể nhận biết các điềm báo.

 bàn thờ Ngọc Hoàng

     Cây chuối với sức sống mãnh liệt, sung mãn, là biểu tượng cho sức sống và nơi trú ngụ của linh hồn (khoẳn) của con người, do vậy trongcác nghi lễ liên quan tới sống chết, sức khỏe của con người thì đều xuất hiện cây chuối. Sau nghi lễ, cây chuối được đem trồng vườn, được gia chủ chăm sóc cẩn thận. Trong nghi lễ Then, cây chuối cũng mang ý nghĩa như vậy.

     Trong hành trang túi lễ cũng như bàn thờ của các ông Then và bà Then đều thấy xuất hiện quả trứng.Quả trứng có thể là trứng thật và cũng có thể là trứng đá. Điều này, theo tư liệu điền dã của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Yên thì quả trứng trong Then có thể liên quan tới trò chơi nhập hồn Nàng Xây (Nàng Trứng), mà huyền thoại Tày cho rằng Nàng Xây là con gái út Pụt Luông, là người bạn tâm tình của các thiếu nữ nhỏ tuổi. Còn trong Then, trứng và hồn trứng là thứ có thể đưa hồn Then đi về cõi âm để tìm hồn của người chết.

     Bộ lễ phục của ông Then và bà Then cũng là một hình tượng nổi bật trong nghi lễ Then. Màu sắc lễ phục chủ yếu là màu đỏ, nhất là đối với ông Then và bà Then sau khi đã được cấp sắc hay thăng sắc. Khi các Thiên tướng nhập thì y phục của Then cũng phải thay đổi. Thí dụ, Ngọc Hoàng mặc áo vàng, Tướng Hiển mặc áo đỏ, Tướng Hổ mặc áo đỏ… Cũng có lúc họ mặc áo dài đen, các màu tối. Mũ Then là dấu hiệu quan trọng thể hiện cấp bậc trong Then thông qua số lượng dải mũ nhiều hay ít (5, 7, 9,11,13,15 dải). Theo tư liệu của Nguyễn Thị Yên thì dòng Then Cao Bằng còn chia thầy Then thành các phẩm, nhất phẩm là cao nhất, cừu phẩm là thấp nhất và giữa các phẩm còn có sự phân biệt về màu sắc áo: Cửu phẩm: áo hồng, Ngũ phẩm: áo xanh, Tứ phẩm: áo đen, Nhị phẩm: áo vàng. Nói chung, cũng giống như lên đồng của người Việt (Kinh), trang phục Then Tày cũng như các đồ trang trí trong nghi lễ thì màu sắc thiên về màu sắc mạnh, lộng lẫy, gây cảm giác phấn khích giúp các bà Then, ông Then dễ nhập hay xuất hồn.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: lễ hội việt nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét