Tín ngưỡng với tạo hình dân gian và phong tục, lễ hội

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Tín ngưỡng với tạo hình dân gian

     Trong các nghi lễ tín ngưỡng của người Tày, Nùng cũng không thể thiếu các hình thức tạo hình dân gian, như tranh thờ, tượng thờ, các hình thức trang trí khác, trong đó nổi bật hơn cả là hệ thống tranh thờ. Cũng giống như một số tộc người thiểu số ở miền núi phía bác, như người Dao, sử dụng phổ biến hình thức tranh thờ trong các nghi lễ.

     Tuy có những đặc trưng chung với tranh thờ Dao do cùng chịu ảnh hưởng Đạo giáo và hệ thống tranh thờ nam Trung Quốc, nhưng tranh thờ Tày, Nùng cũng mang những nét riêng. Thí dụ, bên cạnh các tranh thờ chung, như: Tam Thanh, Thập điện diêm vtrong, Tam Tòa Thánh Mâu, các Nguyên Súy…, còn có các bộ tranh mang nét riêng của người Tày, Nùng, như: Hội Lồng Tồng, Mẹ Hoa, Thần Bếp, Thần gia súc… Đối với các tộc người này, sự hiện diện của tranh thờ chính là sự hiện diện của thần linh, do vậy các thầy cúng, đặc biệt là thầy Tào không thể hành lễ nếu thiếu các tranh thờ này.

Tín ngưỡng với phong tục và lễ hội

     Cũng như ở hầu hết các tộc người khác, đối với người Tày, Nùng tín ngưỡng tôn giáo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành và tồn tại của các phong tục và lễ hội. Các hình thức tín ngưỡng tiêu biểu như thờ cúng tổ tiên, thờ thổ thần, các nghi lễ nông nghiệp, quan niệm về linh hồn và thờ phụng linh hồn người chết, các hình thức Mo, Then, Tào, Pụt… đã tạo nên biết bao phong tục, nghi lễ, kiêng cữ, hội hè của người Tày và Nùng trong phạm vi gia đình, dòng họ, thôn bản. Đây là những yếu tố luôn gắn kết với nhau như hình với bóng, nói cách khác, không có các hình thức tín ngưỡng dân gian kể trên thì cũng không có các phong tục, lễ hội như nó vốn tồn tại hàng bao đời nay. Trong hệ thống các phong tục, lễ hội này tuy ngày nay đã có những biến đổi, một số phong tục đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, nhưng nhìn chung nó vẫn giữ được những nét đẹp, tính nhân bản, sự độc đáo góp phần quan trọng tạo nên bộ mặt văn hóa độc đáo của hai tộc người này. Điều này cũng có nghĩa là khi nhìn nhận và xử lý các vấn đề tôn giáo tín ngưỡng chúng ta không thể xem xét và xử lý tách ròi với các nhân tố khác, đặc biệt là với phong tục và nghi lễ, lễ hội.

phong tục, lễ hội

     Tóm lại, từ việc nhìn nhận một cách tổng quát các nhân tố tín ngưỡng và văn hóa của các tộc Tày, Nùng chúng ta có thể nêu ra các nhận xét sau đây:

- Tôn giáo tín ngưỡng Tày, Nùng khá phong phú và đa dạng, là kết quả của quá trình hình thành và phát triển lâu đời trên nền tảng của tín ngưỡng bản địa và những giao lưu ảnh hưởng với tôn giáo tín ngưỡng các tộc người cùng sinh sống trong khu vực, đặc biệt là người Việt và người Hoa. Nói cách khác tín ngưỡng dân gian của Tày, Nùng đã bản địa hóa các biến dạng khác nhau của tam giáo (Phật, Đạo, Nho) để tạo nên bộ mặt tôn giáo tín ngưỡng của họ ngày nay.

- Tôn giáo tín ngưỡng Tày, Nùng là một bộ phận hữu cơ của văn hóa tộc người, từ các hình thức tôn giáo tín ngưỡng này đã tích hợp và nảy sinh nhiều hiện tượng văn hóa khác tạo nên cái gọi là văn hóa tín ngưỡng Tày, Nùng, góp phần khắc họa và làm giàu có hơn nét độc đáo, bản sắc văn hóa của các tộc người này.

- Ngày nay, trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các tộc người Tày, Nùng chúng ta không thể không xem xét một cách tổng thể các nhân tố tôn giáo tín ngưỡng và các nhân tố văn hóa khác, mối quan hệ hữu cơ giữa chúng, tránh cách nhìn và xử lý một cách phiến diện, thành kiến, cục bộ, mà hậu quả của nó là làm nghèo nàn nền văn hóa dân tộc, mất đi các nét độc đáo vốn có của các nền văn hóa đó.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: các lễ hội ở việt nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét