Tục thờ Phi thang chàn ở sân sàn

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

     Trong một số dòng họ của đồng bào Nùng có tục thờ Phi thang chàn ở sân sàn của nhà sàn hay sân của nhà đất. Theo quan niệm của dân gian, đó là vị Thổ thần ở nơi quê hương xưa mà khi di cư đến Việt Nam bà con đã mang bát hương theo.      Khi đến Việt Nam, các gia đình này sát nhập vào các bản làng đã có từ trước, mà ở đó đã có miếu thờ Thổ công, nên vị Thổ thần cũ đó phải thờ ở ngoài sân sàn từng gia đình. Tương truyền các Thổ thần này rất thiêng.
– Một số bản làng người Tày và Nùng đều có chung một ngôi đình thờ Thành hoàng. Thành hoàng là vị thần cùng với Thổ công trông coi việc canh tác mùa màng, chăn nuôi gia súc, trông coi sự an khang của bản mường. Như vậy, so với Thổ công, Thành hoàng có phạm vỉ cai quản rộng hơn, cả một vùng hay một mường.
     Các vị Thành hoàng của người Tày, Nùng vốn là những người có phép lạ, họ đã từng đánh thắng giặc, có thể san đồi, xẻ núi thành đồng ruộng cho dân cày bừa, có công giúp dân vượt qua thiên tai dịch họa, người đầu tiên mở mường dựng bản.
    Thí dụ, làng Còn Chả (huyện Cao Lộc – Lạng Sơn) thờ rắn cụt đuôi làm Thành hoàng làng. Tương truyền, gia đình ông Đinh Luận Nghiên bắt được trứng rắn đưa về ấp nở ra thành con rắn. Rắn cứ lớn dần cuộn đầy cả một gian nhà. Chủ nhà thả rắn xuống sông Kỳ Cùng giúp dân làm mưa thuận gió hòa.
Còn dân làng Bản Vàng (Xuất Lễ – Cao Lộc) lại thờ oan hồn những người chết nạn, biến thành Thần Nông giúp đỡ dân làm ăn cày cấy. Mỗi lần cúng vị Thần Nông này phải hiến tế nhiều con vật khác nhau…

Tục thờ Phi thang chàn ở sân sàn

    Qua thí dụ nêu trên, ta có thể dự đoán rằng, việc một vùng, một mường thờ chung một vị Thành hoàng là dấu tích vị thần bản mệnh xưa của một mường của người Tày hay Nùng. Sau này, tổ chức mường không còn nữa, nhưng về mặt thờ cúng, tín ngưỡng vẫn giữ những mối quan hệ nào đó. Cũng trên cái nền thờ cúng thần bản mệnh của mường như vậy, sau này do sống cạnh người Việt, chịu sự chi phối của triều đình phong kiến Đại Việt, nhất là từ thời Hậu Lê đến Nguyễn, các vị Thành hoàng của Tày, Nùng cũng giống như Thành hoàng của các làng Việt, đều được các triều đại phong thần, có các sắc phong. Như vậy, ở đãy việc thờ cúng vị thần bản mệnh của cộng đồng đã có sự biến chuyển từ thần bản mệnh của mường thành Thành hoàng của làng, của cả một vùng.



Từ khóa tìm kiếm nhiều: các lễ hội truyền thống việt nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét